Thị trường bất động sản sắp đón ‘trợ lực’, nhu cầu vay vốn mua nhà liệu sẽ cải thiện?
Các chuyên gia kỳ vọng rằng, sắp tới, khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh cùng có hiệu lực, nhu cầu vay vốn đầu tư bất động sản sẽ dần cải thiện.
Thực thi sớm, hiệu quả sớm
Vừa qua, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, sớm hơn 5 tháng so với dự kiến ban đầu. Như vậy, chỉ còn khoảng 2 tuần nữa, các luật sẽ chính thức có hiệu lực Hiện nay các Bộ, ngành, địa phương đang gấp rút hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng việc đưa các luật này vào thực thi sớm hơn sẽ tác động đến những lĩnh vực liên quan đến đất đai, đến quyền sở hữu, sử dụng đất và các quyền sở hữu tài sản liên quan đất sẽ được làm rõ, được công khai, minh bạch hơn. Từ đó, các hoạt động mua bán, chuyển nhượng, đầu tư về đất đai, nhà ở, bất động sản,… sẽ thuận lợi hơn.
“Với Luật Đất đai lần này, các vấn đề liên quan đến quyền sử dụng đất, đến việc chuyển nhượng, mua bán hay khởi công xây dựng các dự án… sẽ được làm rõ hơn, được chuẩn hóa và có cơ sở pháp lý để thị trường bất động sản công khai, minh bạch hơn trong hoạt động đầu tư và phát triển”, ông Thịnh cho hay.
Với Luật Đất đai lần này, các vấn đề liên quan đến quyền sử dụng đất, đến việc chuyển nhượng, mua bán hay khởi công xây dựng các dự án.
Đồng quan điểm, LS. TS. Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhận định, Luật Đất đai có hiệu lực sớm sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận đất đai thuận lợi hơn, phát triển dự án nhanh hơn; góp phần giải được bài toán thiếu nguồn cung nhà ở trên thị trường. Đáng chú ý, hàng nghìn dự án bất động sản, nhà ở thương mại đang bị vướng hy vọng sẽ được tháo gỡ.
Không những vậy, vị chuyên gia này còn khẳng định, Luật Đất đai chắc chắn sẽ là luồng gió mới góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam. Khi nhu cầu đầu tư bất động sản được nâng cao, sẽ có thêm nguồn vốn, trong đó chủ yếu là ngoại tệ được rót thêm vào thị trường bất động sản trong nước. Với đặc điểm có tính liên thông lớn, khi thị trường bất động sản trong nước phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác có liên quan như ngân hàng, bảo hiểm, vật liệu xây dựng, lao động…
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 chia sẻ, các doanh nghiệp đều mong mỏi Luật Đất đai 2024 được đưa vào cuộc sống. Bất động sản đóng vai trò quan trọng trong cả nền kinh tế mà Luật Đất đai là luật xương sống của bất động sản.
Theo ông Quê, khi cả ba luật này đồng thời có hiệu lực thì các dự án nhà ở xã hội sẽ giải quyết bất cập từ các thủ tục chủ trương đầu tư, đến phê duyệt quy hoạch, giao đất, phê duyệt giấy phép xây dựng sẽ thoáng hơn giai đoạn trước.
Từ đó nguồn cung nhà ở xã hội sẽ “bùng nổ” trong thời gian tới, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đáp ứng nhu cầu lớn hiện nay, góp phần điều tiết giá chung cư tại các đô thị lớn không “phi mã” như thời gian qua. Người dân có nhu cầu ở thực sẽ tiếp cận dễ dàng hơn nhà chung cư cũng như những nhà ở giá rẻ khác.
Kỳ vọng nhu cầu vay vốn đầu tư bất động sản sẽ cải thiện
Với việc bộ ba luật mới sẽ gỡ vướng cho hàng trăm dự án bất động sản, thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi tích cực trở lại. Nhiều chuyên gia kỳ vọng rằng, nhu cầu vay vốn đầu tư bất động sản sẽ dần cải thiện khi thị trường đang có triển vọng hồi phục rõ nét hơn và lãi suất cho vay ở mức thấp giúp giảm chi phí tài chính cho cả nhà đầu tư và doanh nghiệp địa ốc.
Hiện nay, tại các ngân hàng quốc doanh như Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV, mức lãi suất cho vay mua nhà, đất dao động từ 5 – 7%/năm. Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất vay mua nhà cũng dao động từ hơn 4 – 8%/năm.
Kỳ vọng nhu cầu vay vốn đầu tư bất động sản sẽ cải thiện.
Ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc ngân hàng Quân đội (MB) cho biết, các nhà băng cũng đã hạ lãi suất sâu nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Với chi phí vốn thấp sẽ kích thích nhu cầu tín dụng gia tăng, do đó các ngân hàng sẽ tiếp tục tiết giảm chi phí để có nguồn lực hỗ trợ lãi suất cho vay ở mức thấp.
Ngoài ra, khi các vấn đề pháp lý được giải quyết, ông Ánh cho rằng, thị trường bất động sản sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn. Nguồn cung được cải thiện sẽ khuyến khích người dân tìm kiếm cơ hội mua nhà, đổi nhà và là động lực để tín dụng của các ngân hàng tăng trưởng tốt hơn.
Còn trên thực tế trong nửa đầu năm 2024, khi các luật mới chưa có hiệu lực thi hành, thị trường bất động sản còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, cho vay mua nhà chưa ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan.
Tâm lý chờ thị trường bất động sản phục hồi tích cực hơn nữa mới rót tiền vào bất động sản chính là một trong những nguyên nhân khiến cho vay mua nhà đất chưa tăng trưởng. Bên cạnh đó, giá nhà vẫn ở mức cao, cộng thêm kinh tế khó khăn, thu nhập của người dân giảm sút nên giao dịch tương đối ảm đạm. Ngoài ra, cũng có không ít nhà đầu tư bất động sản do đang “mắc kẹt” tiền trong bất động sản, không bán được nên không có nhu cầu vay mua mới.
Để đón đầu cho làn sóng mua bất động sản sau khi ba luật có hiệu lực, các chuyên gia cho rằng, cần thêm các trợ lực như gói vay có thời hạn dài hơn, lãi suất ổn định hơn để giảm thiểu nguy cơ cho người đi vay.
Trong Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 vừa ban hành, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước và các địa phương rà soát, đánh giá kỹ, toàn diện nguyên nhân chậm giải ngân gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng và khẩn trương có giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân, nhất là các vấn đề liên quan đến đối tượng vay vốn, lãi suất, quy trình, thủ tục cho vay, việc hoàn thiện pháp lý dự án của chủ đầu tư với chính quyền địa phương…
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đang đề xuất sửa đổi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng theo hướng ưu đãi hơn. Do gói tín dụng này mới chỉ giải ngân được dưới 1% nên nếu có thêm những biện pháp kích cầu phù hợp, tín dụng tiêu dùng bất động sản sẽ có cơ hội tăng trở lại.
Khúc Văn – nguoiquansat.vn